BẢN BÁO CÁO BỊ THỦ TƯỚNG CẤM CÔNG BỐ (Tiếp theo 3)

PHẦN 4: CẢNH BÁO VÀ KHUYẾN NGHỊ


1. Các giải pháp chính sách và điều hành chính sách, quản lý nhà nước trong lĩnh vực tài chính, tiền tệ phải dựa trên nguyên tắc hoạt động của nền kinh tế thị trường, giảm thiểu và tiến tới xóa bỏ sớm các giải pháp hành chính phi thị trường.

Nhiều khó khăn, tồn tại, rủi ro và bất cập của hệ thống ngân hàng và thị trường tài chính Việt Nam đã được bộc lộ rõ trong năm 2011 có nguyên nhân sâu xa từ những bất cập trong hoạch định chính sách, quản lý nhà nước và thanh tra giám sát. Những quy định mang nặng tính hành chính như hạn mức tín dụng, trần lãi suất thực hiện trong một thời gian dài đã góp phần đem đến những rủi ro, bất cập như:

- Việc áp dụng trần lãi suất trong bối cảnh lạm phát rất cao, hệ thống ngân hàng vẫn khó khăn trong việc thu hút vốn tiền gửi với sự cạnh tranh quyết liệt của các kênh đầu tư khác (trong năm 2011 điển hình là vàng) làm thanh khoản hệ thống ngân hàng vốn đã khó khăn lại càng khó khăn hơn và có những thời điểm mà một số ngân hàng đã mất thanh khoản (do có sự dịch chuyển, rút tiền khỏi khu vực ngân hàng hoặc rút tiền từ ngân hàng nhỏ chuyển sang ngân hàng lớn…);

- Quy định về hạn mức tín dụng nói chung và hạn mức tín dụng đối với lĩnh vực phi sản xuất nói riêng cũng là một trong những nguyên nhân của hiện tượng che giấu và thực hiện các hoạt động có bản chất tín dụng, đảo nợ thông qua các nghiệp vụ như ủy thác đầu tư, TPDN, phải thu khác… Các quy định này cùng với quy định trần lãi suất mà không thể giám sát chặt chẽ và đảm bảo sự tuân thủ cũng góp phần làm rủi ro đạo đức trong hệ thống ngân hàng trở nên phổ biến;

Vì những lý do nêu trên, UBGSTCQG kiến nghị NHNN và các cơ quan liên quan trong quản lý, điều hành lĩnh vực tài chính tiền tệ cần thực hiện nhất quán các nguyên tắc sau: (i) Hạn chế tối đa và chỉ đưa ra các giải pháp hành chính mang tính chất tạm thời trong điều kiện tình hình thực sự cấp bách và thị trường không có khả năng tự điều chỉnh; (ii) Thông tin liên quan đến thị trường tài chính, tiền tệ, lãi suất, tỷ giá và các giải pháp điều hành của cơ quan quản lý nhà nước cần rõ ràng, minh bạch, nhất quán và có thể dự báo được.

2. Cần có cơ quan thanh tra giám sát hợp nhất với vị thế pháp lý và năng lực đầy đủ để thực hiện thanh tra giám sát toàn diện thị trường tài chính Việt Nam trên cả ba lĩnh vực ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm và thanh tra giám sát các tập đoàn tài chính.

Các phân tích trong Báo cáo giám sát thị trường tài chính 2011 cho thấy có nhiều những rủi ro chéo lớn, tiềm ẩn và đan xen giữa các khu vực của thị trường tài chính, giữa các định chế trong cùng một tập đoàn tài chính (chủ yếu qua các giao dịch nội bộ...) mà các cơ quan thanh tra giám sát chuyên ngành không thể nắm bắt hết được cũng như không có đủ vị thế và chức năng để giám sát, quản lý và xử lý hữu hiệu được các rủi ro này (nếu có phát hiện được). Trong khi đó UBGSTCQG là đơn vị được giao thực hiện giám sát chung thị trường tài chính thì vị thế pháp lý còn hạn chế (chưa được thực hiện thanh tra trực tiếp, không có thầm quyền đưa ra các chế tài…) nên chưa thể thực hiện giám sát được toàn diện và hiệu quả.

3. Cần khẩn trương xây dựng và hoàn thiện khuôn khổ pháp lý riêng (Luật, Nghị định) về tổ chức và hoạt động của các tập đoàn tài chính (TĐTC).

Luật các TCTD hiện đã có một số quy định nhằm quản lý, giám sát hoạt động của các TĐTC. Tuy nhiên, những quy định này chưa đầy đủ, chỉ xử lý được một vài vấn đề trong tổ chức và hoạt động của các TĐTC, chưa giúp cơ quan thanh tra giám sát nắm bắt và xử lý toàn diện các rủi ro trong hoạt động của các TĐTC. Những quy định này cũng chỉ thiên về việc phục vụ mục đích quản lý, giám sát mà không quan tâm nhiều đến việc tạo điều kiện phát triển cho các TĐTC.

II. CÁC KHUYẾN NGHỊ CỤ THỂ

1.1. Khuyến nghị liên quan đến thanh khoản

            Thanh khoản của hệ thống ngân hàng trong năm 2011 thường trong tình trạng căng thẳng, các ngân hàng luôn phải chạy đua lãi suất nhằm tăng huy động vốn do những nguyên nhân chủ yếu như kỳ hạn tiền gửi ngày càng bị rút ngắn, hiện tượng rút tiền trước hạn trở nên phổ biến, nợ xấu tăng cao… Để xử lý, hạn chế rủi ro thanh khoản, UBGSTCQG có một số kiến nghị:

- Trong điều kiện lạm phát giảm nhanh, NHNN xem xét sớm gỡ bỏ quy định về trần lãi suất, thực hiện điều hành chính sách tiền tệ thông qua các công cụ gián tiếp  (lãi suất điều hành, dự trữ bắt buộc…) để thị trường điều tiết hình thành đường cong lãi suất. Có như vậy các ngân hàng mới có thể tăng khả năng huy động vốn trung và dài hạn.

- NHNN nghiên cứu sửa đổi bổ sung, kiện toàn quy định về sản phẩm tiền gửi để khắc phục tình trạng tiền gửi các kỳ hạn đều có thể rút ra bất cứ lúc nào mà vẫn được hưởng lãi. Có thể quy định việc rút vốn trước hạn phải báo trước một thời gian, có chế tài hạn chế việc rút trước hạn hoặc thậm chí quy định rút vốn trước hạn thì không được hưởng lãi...

- Trong hai năm 2010 và 2011, đã xuất hiện hiện tượng một số TCTD đã cho vay quá mức ngoại tệ so với khả năng huy động của mình và bù đắp chủ yếu bằng nguồn ngoại tệ vay từ các TCTD nước ngoài với kỳ hạn ngắn (dưới 12 tháng). Theo quy định hiện nay về quản lý ngoại hối, các khoản vay ngắn hạn này không cần phải đăng ký qua NHNN, do vậy việc theo dõi và phát hiện sớm để kiểm soát tốt rủi ro thanh khoản ngoại tệ của các TCTD, ổn định thị trường ngoại hối còn chậm. Do đó, NHNN cần điều chỉnh quy định về quản lý ngoại hối, theo đó các TCTD phải đăng ký với NHNN về kế hoạch vay ngoại tệ, nhận tiền gửi ngoại tệ cho cả trường hợp ngắn hạn. 

            - Nghiên cứu khả năng điều hòa vốn từ các TCTD thừa vốn sang các TCTD thiếu vốn bằng cách tăng dự trữ bắt buộc đối với tiền gửi cả nội tệ và ngoại tệ với lãi suất dự trữ bắt buộc hợp lý. Trên cơ sở đó NHNN có thể sử dụng được nguồn vốn dư thừa của các TCTD lành mạnh để cho vay tái cấp vốn TCTD có khó khăn về thanh khoản. Đây là biện pháp rất cần thiết trong điều kiện các ngân hàng lớn không còn tin cậy vào khả năng chi trả của các ngân hàng nhỏ, nhất thiết phải có vai trò trung gian của NHNN. Việc tăng dự trữ bắt buộc đối với tiền gửi ngoại tệ ở mức cao còn có tác dụng làm giảm chênh lệch lãi suất cho vay giữa ngoại tệ và nội tệ, không khuyến khích gửi tiền bằng ngoại tệ và làm giảm dư nợ cho vay ngoại tệ (qua đó làm giảm áp lực đối với tỷ giá).

            -  Cần có giải pháp huy động nguồn lực vàng trong dân để bổ sung thanh khoản cho hệ thống ngân hàng và phục vụ phát triển kinh tế. NHNN có thể xem xét khả năng cho phép TCTD nâng cao tỉ lệ chuyển đổi lượng vàng tồn quỹ thành tiền tại thời điểm nộp hồ sơ xin chuyển đổi vàng tồn quỹ và mở tài khoản vàng ở nước ngoài, thực hiện các giao dịch đối ứng, bảo hiểm giá vàng. Điều này sẽ bổ sung thanh khoản tiền Đồng và ngoại tệ cho các TCTD nắm giữ vàng nói riêng và cho cả hệ thống TCTD nói chung.

1.2. Khuyến nghị về xử lý nợ xấu và nâng cao chất lượng tài sản

- Nhanh chóng và quyết liệt xử lý nợ xấu theo Đề án “Cơ cấu lại hệ thống các TCTD giai đoạn 2011-2015” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 254/QĐ-TTg ngày 1/3/2012 để lành mạnh hóa tình hình tài chính của các TCTD, góp phần giải quyết dứt điểm vấn đề thanh khoản của hệ thống TCTD và nền kinh tế.

Nợ xấu của hệ thống TCTD hiện nay ngoài các nguyên nhân chủ quan do quản lý rủi ro yếu kém còn có nguyên nhân do chu kỳ kinh tế đi xuống, thị trường BĐS đóng băng, thị trường chứng khoán khó khăn. Vì vậy cần chú trọng, ưu tiên biện pháp xử lý nợ xấu thông qua mô hình Công ty AMC trung ương (cụ thể là Công ty Mua bán nợ và Tài sản tồn đọng của doanh nghiệp thuộc Bộ Tài chính) do mô hình này có các ưu điểm như: (i) Nhanh chóng làm sạch bảng cân đối tài sản của các TCTD; (ii) Có thời gian để quản lý và tối đa hoá giá trị của các khoản nợ và tài sản thế chấp, không phải phát mại tài sản một cách ồ ạt; (iii) Là công cụ hỗ trợ cơ cấu lại các doanh nghiệp con nợ; (iv) Khi bán nợ xấu cho Cty AMC trung ương, hệ số CAR của TCTD cũng nhanh chóng được cải thiện.

- Cơ quan chức năng cần sớm có biện pháp cấm TCTD che giấu các hoạt động có tính chất tín dụng hoặc đảo nợ dưới hình thức các khoản phải thu, TPDN, ủy thác đầu tư, và tài sản có khác; yêu cầu các TCTD thực hiện hạch toán đúng bản chất của các khoản phải thu, ủy thác, tài sản có khác…  Ngoài ra, cần tăng cường thanh tra và giám sát tuẩn thủ nhằm nhanh chóng phát hiện TCTD vi phạm, đồng thời có chế tài phạt nặng TCTD nếu vi phạm.

Rủi ro tiềm ẩn trong các hoạt động nghiệp vụ mang bản chất tín dụng nêu trên rất lớn, thậm chí lớn hơn so với các hoạt động tín dụng (do thiếu minh bạch, bỏ qua các quy trình thẩm định và giám sát, không có tài sản thế chấp…). Vì vậy, cần sửa đổi Thông tư 13 về các tỷ lệ bảo đảm an toàn và các quy định liên quan theo hướng quy định hệ số điều chỉnh rủi ro cao hơn đối với các nghiệp vụ này theo đúng bản chất rủi ro của chúng và áp đặt các giới hạn, hạn chế giống như hoạt động tín dụng tương ứng (Ví dụ: Ngân hàng mua trái phiếu của công ty con là CTCK thì trái phiếu này phải chịu hệ số rủi ro 250% giống như việc ngân hàng cho vay CTCK, đồng thời số tiền mua trái phiếu này phải được tính trong hạn mức tín dụng đối với công ty con).

- Kiện toàn các quy định liên quan đến TPDN: Hiện nay quy định về phát hành TPDN rất lỏng lẻo, tiềm ẩn nhiều rủi ro có bản chất như tín dụng trong khi TCTD không phải thực hiện đánh giá phân loại nợ và trích lập dự phòng rủi ro với loại hình tín dụng này.  Các điều kiện phát hành thiếu chặt chẽ, rất đơn giản, chưa có quy định về tỉ lệ đòn bẩy tài chính tối đa mà một doanh nghiệp phát hành trái phiếu được tiến hành… Như vậy cần nâng cao các yêu cầu về chế độ báo cáo với các doanh nghiệp phát hành trái phiếu, trước, trong, và sau khi phát hành trái phiếu. Doanh nghiệp phát hành trái phiếu bắt buộc phải có kiểm toán cho đến khi trái phiếu đáo hạn.

- Tăng cường tính minh bạch trong hệ thống báo cáo, hạch toán, kế toán. Cụ thể cần: (i) Bổ sung chỉnh sửa chế độ kế toán, hạch toán, và báo cáo thuyết minh rõ các nhóm tài sản và nguồn vốn “khác”, như phải thu khác, phải trả khác, ủy thác, tài sản có khác…; (ii)  Tăng cường trách nhiệm pháp lý của các công ty kiểm toán đối với các báo cáo kiểm toán phát hành; quy định chuyển đổi công ty kiểm toán từ loại hình trách nhiệm hữu hạn sang loại hình trách nhiệm vô hạn…

- Cần có quy định đảm bảo quản lý tiền gửi TT2 như cho vay trên TT2 và ban hành sớm quy định phân loại nợ và trích lập dự phòng rủi ro với loại hình này. Quy định về vay, gửi, và phát hành trái phiếu của tổ chức tín dụng chưa thống nhất và ẩn chứa nhiều rủi ro. Huy động và vay nợ trên thị trường 2 giữa các TCTD được sử dụng như một công cụ làm đẹp bảng cân đối tài sản, che dấu một số thực trạng tài chính (làm đẹp các chỉ số về khả năng thanh toán, thanh khoản khi lập báo cáo). Đã xuất hiện hiện tượng nợ quá hạn và nợ xấu hoạt động TT2, cho vay và nhận gửi giữa các TCTD phải có tài sản thế chấp. Tuy nhiên việc phân loại nợ quá hạn và trích lập dự phòng rủi ro đối với loại hình này chỉ áp dụng với khoản vay TT2 trong khi tiền gửi TT2 và chứng khoán nợ của TCTD về bản chất là tín dụng TT2 thì chưa quy định. Đây là yêu cầu cấp thiết và quan trọng vì tài sản này chiếm trên 20% tổng tài sản toàn hệ thống tín dụng.

- Các Cty TC, CTTC hoạt động không đúng với vai trò của mình là cung cấp vốn dài hạn cho nền kinh tế. tỉ lệ hoạt động trên TT2 rất cao; mô hình công ty TC trong các tập đoàn, tổng công ty tiềm ẩn rất nhiều rủi ro và hoạt động không hiệu quả. Cần có đánh giá tổng kết và có chiến lược đúng đắn phát triển loại hình các TCTD phi ngân hàng này để có một hệ thống tài chính đa dạng, an toàn, ổn định và phục vụ nhu cầu phát triển của nền kinh tế.

1.3. Nâng cao hiệu quả quản lý giám sát các TCTD trên cơ sở hệ số tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu (CAR)

Đồng thời với việc xử lý thanh khoản, xử lý nợ xấu, lành mạnh tài chính của các TCTD; NHNN tăng cường quản lý, giám sát các tổ chức tín dụng thông qua chỉ số CAR và sớm hủy bỏ biện pháp áp đặt hạn mức tăng trưởng tín dụng cũng như các quy định mang tính hành chính trong việc mở rộng mạng lưới, quy mô của TCTD. Với việc phải đảm bảo CAR, các TCTD sẽ phải tự điều tiết việc tăng trưởng tài sản (hoặc phải tăng vốn).  NHNN cũng thực hiện quản lý, giám sát việc mở rộng mạng lưới, quy mô, hoạt động của TCTD trên cơ sở TCTD phải đảm bảo hệ số CAR.

2.1. Nâng cao chất lượng hàng hóa trên thị trường chứng khoán

-  Nâng cao tiêu chuẩn nêm yết trên 2 sở giao dịch;

-  Thanh lọc những cổ phiếu yếu kém. Đối với những cổ phiếu bị giảm giá mạnh xuống dưới mệnh giá trong một thời gian dài phải giải trình hoạt động kinh doanh. Bắt buộc chuyển sàn hoặc hủy niêm yết đối với các công ty yếu kém;

-  Nâng chế tài xử phạt đối với các công ty bị phát hiện có hiện tượng làm giá.

2.2. Về mức đủ vốn: Do mức đủ vốn của các CTCK bị giảm sút mạnh cơ quan quản lý cần kiên quyết tái cơ cấu, sắp xếp các công ty này như sau:

            - Đối với các công ty thua lỗ từ 30% đến 50% vốn chủ sở hữu: Đặt vào tình trạng kiểm soát và áp dụng các biện pháp khắc phục như tăng vốn điều lệ, cơ cấu lại danh mục đầu tư, các khoản vay nợ, thực hiện hợp nhất, sáp nhập;

            - Đối với các công ty thua lỗ trên 50% vốn chủ sở hữu: Đặt vào tình trạng kiểm soát đặc biệt, áp dụng các biện pháp: soát xét tình hình tài chính, đầu tư, công nợ, rút bớt nghiệp vụ môi giới, tự doanh, giải thể, phá sản nếu không khắc phục được.

2.3. Về đòn bẩy tài chính: Để hạn chế rủi ro từ việc các CTCK lạm dụng đòn bẩy tài chính, cơ quan quản lý cần quy định giảm tỷ lệ Nợ/Vốn chủ sở hữu đối với CTCK (tối đa khoảng 3 lần) đồng thời tăng mức xử phạt đối với hành vi vi phạm thay vì chỉ phạt tối đa 100 triệu đồng như hiện nay.

 2.4. Về chất lượng tài sản:

(i) Để hạn chế rủi ro, cần đưa ra các biện pháp kỹ thuật để hạn chế CTCK đầu tư vào các tài sản có rủi ro cao, kém thanh khoản như cổ phiếu OTC, TPDN. Cần quy định chặt chẽ hơn về cách xác định giá cổ phiếu OTC, cụ thể là:

-  Tăng trách nhiệm pháp lý của các CTCK có báo giá các cổ phiếu OTC, có chế tài xử phạt đối với các công ty có báo giá sai lệch;

-  Trường hợp không xác định được giá trị thị trường của cổ phiếu thì sử dụng giá trị hợp lý thị trường trên cơ sở so sánh với giá cổ phiếu của các công ty cùng ngành có quy mô và hoạt động SXKD tương đương;

-  Phải trích lập dự phòng các khoản đầu tư dài hạn nếu giá trị thị trường của doanh nghiệp thấp hơn giá trị đầu tư của CTCK.

(ii) Cần quy định chặt chẽ về các khoản phải thu đối với khách hàng.

CTCK không được cấp tín dụng không có bảo đảm dưới bất kỳ hình thức nào cho các thành viên HĐQT, công ty con của thành viên HĐQT, ban giám đốc của chính CTCK;

Tổng số dư phải thu đối với 1 khách hàng không vượt quá 25% vốn tự có của CTCK;

-  Tổng số dư phải thu đối với 1 khách hàng và người có liên quan không vượt quá 50% vốn tự có của CTCK;

- Thay đổi tỷ lệ trích lập dự phòng đối  với khoản phải thu quá hạn:

   +  Khoản phải thu quá hạn từ 6 tháng đến dưới 1 năm: 50%

Source: Quan Làm Báo

© 2016 About Us | Terms & Conditions