Quyền công dân bị teo dần trong Hiến pháp (!?)


 
Trong thời gian qua, nhiều người mong muốn sửa đổi Hiến pháp 1992 , để bỏ hoặc thay đổi một số quy định, ví dụ như quy định về quyền lãnh đạo (được hiểu là đương nhiên) của Đảng Cộng sản Việt Nam (ĐCSVN) đối với Nhà nước và xã hội (Điều 4), và quy định đất đai thuộc sở hữu toàn dân và do Nhà nước quản lý (Điều 17–18). Tôi không chia sẻ kỳ vọng đó, bởi không tin rằng giới lãnh đạo hiện nay có thể sớm chấp nhận thay đổi những điều mà họ khẳng định là bất di, bất dịch. Ngược lại, tôi thuộc số những người lo rằng việc sửa đổi Hiến pháp có thể bị lợi dụng để hạn chế hơn nữa quyền con người .Và bản dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 đã cho thấy nỗi lo đó không phải là vô cớ. Thậm chí, không ngờ họ lại có thể đi xa như vậy… Trong Hiến pháp 1992, thuật ngữ “quyền con người” chỉ được nhắc một lần, tại “ Điều 50: Ở nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, các quyền con người về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hoá và xã hội được tôn trọng, thể hiện ở các quyền công dân và được quy định trong Hiến pháp và luật.”
 
Tức là “quyền con người” được đồng nghĩa với “quyền công dân” . Vậy thì những người đang tạm thời bị tước “quyền công dân” sẽ không còn được hưởng “quyền con người”. Hơn nữa, sau khi định nghĩa “Công dân nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là người có quốc tịch Việt Nam” (Điều 49), thì “quyền con người” sẽ không còn được áp dụng cho những người đang tồn tại trên đất Việt Nam, nhưng không hoặc chưa “có quốc tịch Việt Nam” . Điều này cho thấy cách hiểu về “quyền con người” trong Hiến pháp 1992 phiến diện như thế nào. 
Một thay đổi dễ nhận thấy trong dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 là “quyền con người” được tách ra, được nhắc tới 8 lần, luôn đi cạnh và được đặt trước “quyền công dân” . Ở chế độ mà giới lãnh đạo vốn rất khó chịu khi nghe nhắc đến “nhân quyền” (tức là “quyền con người” ), thì đây là một bước tiến, muộn mằn nhưng có vẫn hơn không. 
Một thay đổi nữa, là “quyền công dân” cùng “quyền con người” được đưa từ Chương V (trong Hiến pháp 1992 ) lên Chương II (trong dự thảo sửa đổi Hiến pháp ). Ở Cộng hòa Liên bang Đức, “quyền con người” được đặt lên vị trí hàng đầu, trong Chương I của Hiến pháp . Ở CHXHCN Việt Nam thì Chương I của Hiến pháp được dành cho“Chế độ chính trị” . “Chính trị” là một cái gì đó rất thiêng liêng, mà cũng rất bí hiểm, và càng bí hiểm thì càng… hữu dụng. Khi muốn đùn đẩy công việc , thì tuyên bố:“Cần có sự vào cuộc của toàn bộ hệ thống chính trị .” Khi muốn làm liều , thì khẳng định: “Với quyết tâm chính trị, chắc chắn sẽ làm được.” Còn khi muốn lẩn tránh trách nhiệm của bản thân , thì chỉ cần tỏ chút áy náy và “nhận trách nhiệm chính trị “ . 
Hai thay đổi kể trên là theo hướng tiến bộ, đáng được ghi nhận. Song như vậy thì mới thể hiện rằng quyền con người đã được chú ý hơn. Mà chỉ chú ý thì chưa đủ và cũng chưa chắc đã tốt. Chẳng hạn, nếu bạn được công an chú ý , thì điều đó không hẳn là dấu hiệu hay. Để đánh giá chính xác các thay đổi về quyền con người và quyền công dân , thì phải xem xét các quy định cụ thể. 
Bài này không nhằm mục đích đánh giá đầy đủ và toàn diện về dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 , mà chỉ điểm qua một số ví dụ đáng lưu ý về sự thay đổi tiêu cực hay có thể là tiêu cực, liên quan tới quyền con người và quyền công dân . Hy vọng rằng những nhận xét dưới đây sẽ có ích cho những người đang muốn tham gia góp ý kiến cho bản dự thảo sửa đổi Hiến pháp . 

Quyền hư quyền ảo 
Trong “Chương II: Quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân” của dự thảo sửa đổi Hiến pháp , xuất hiện một quyền mới (so với Hiến pháp 1992 ) là: 
“ Điều 21: Mọi người có quyền sống ”… (!?). 
Nghĩ một cách dân dã, thì thấy điều này có vẻ ngồ ngộ. “Quyền sống” còn hiển nhiên hơn cả “quyền ăn ngủ” , bởi muốn “ăn ngủ” thì tất nhiên phải “sống” . Vậy mà nếu hiến định rằng “Mọi người có quyền ăn ngủ” thì ai nấy đã thấy ngây ngô. 
Thực ra, câu “Mọi người có quyền sống “ cũng xuất hiện trong Hiến pháp của một số nước, chẳng hạn tại Điều 2 của Hiến pháp Cộng hòa Liên bang Đức (Jeder hat das Recht auf Leben) . Điều đó chứa đựng một nội dung rất quan trọng, mà hệ quả trực tiếp của nó là: Không thể có án tử hình , vì tử hình một người là xâm phạm“quyền sống” của người đó . 
Chấp nhận án tử hình hay không là một vấn đề nan giải, vẫn còn đang được tranh luận ở nhiều nơi trên thế giới. Nhiều nước vẫn duy trì án tử hình, như Hợp chúng quốc Hoa Kỳ. 
Liệu có thật là nhà cầm quyền Việt Nam muốn hủy bỏ án tử hình hay không? Nếu đúng là họ muốn hủy bỏ án tử hình , thì đây là một thay đổi rất quan trọng. Còn ngược lại, nếu họ vẫn định tiếp tục duy trì án tử hình , thì Điều 21 của dự thảo sửa đổi Hiến pháp vừa thừa, vừa giả dối, và chỉ chất to thêm đống quyền hữu danh vô thực trong Hiến pháp mà thôi. 
Một quyền mới khác trong dự thảo sửa đổi Hiến pháp là: 
“ Điều 35: Công dân có quyền được bảo đảm an sinh xã hội .” 
Điều này được sửa đổi từ Điều 67 của Hiến pháp 1992 , quy định rằng: “Thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ được hưởng các chính sách ưu đãi của Nhà nước. Thương binh được tạo điều kiện phục hồi chức năng lao động, có việc làm phù hợp với sức khoẻ và có đời sống ổn định”. 
- “Những người và gia đình có công với nước được khen thưởng, chăm sóc.” 
- “Người già, người tàn tật, trẻ mồ côi không nơi nương tựa được Nhà nước và xã hội giúp đỡ.” 
Nghĩa là: 
- Chỉ đề cập đến một số đối tượng đặc biệt , đó là thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, những người và gia đình có công với nước, người già, người tàn tật và trẻ mồ côi; 
- Chỉ hứa hẹn một cách chung chung , là “được hưởng các chính sách ưu đãi”, “được tạo điều kiện”, “được khen thưởng, chăm sóc”, “được Nhà nước và xã hội giúp đỡ” ; 
- Chỉ đề cập đến mấy nội dung cụ thể , là “phục hồi chức năng lao động, có việc làm phù hợp với sức khoẻ và có đời sống ổn định”, và những thứ đó chỉ dành riêng cho đối tượng thương binh. 
Điều 35 trong dự thảo sửa đổi Hiến pháp đã đưa ra những bước đại nhảy vọt so với Điều 67 của Hiến pháp 1992 , đó là: 
- Áp dụng cho mọi công dân ; 
- Không chỉ là hứa hẹn chung chung, mà nâng lên thành “quyền được bảo đảm” ; 
- Nội dung “được bảo đảm” không chỉ dừng lại ở mấy nội dung cụ thể, mà bao trùm lên toàn bộ “an sinh xã hội” . 
Đây là một ý tưởng cách mạng vĩ đại, nếu họ thực tâm muốn triển khai. Tiếc rằng, nếu thực tâm thì ngây ngô, và nếu không ngây ngô thì không thể thực tâm. 
“Quyền được bảo đảm an sinh xã hội “ là một thứ quyền vu vơ và hoàn toàn không khả thi . Thời gian qua, mới chỉ tập trung cho một số đối tượng rất chọn lọc và chỉ dừng lại ở mấy chế độ phúc lợi rất khiêm tốn, thế mà còn chưa làm tốt nổi. Vậy thì sao có thể “ bảo đảm an sinh xã hội “ cho mọi công dân ? Lưu ý rằng chế độ “an sinh xã hội” bao gồm cả chăm sóc về y tế, trợ cấp ốm đau, trợ cấp thất nghiệp, trợ cấp tuổi già, trợ cấp trong trường hợp tai nạn lao động hoặc bệnh nghề nghiệp, trợ cấp gia đình, trợ cấp thai sản, trợ cấp tàn tật, trợ cấp tiền tuất. Lấy đâu ra tiền của để thực hiện “ý tưởng cách mạng vĩ đại” ấy? 
“Công dân có quyền được bảo đảm” , nhưng ai, cơ quan hay tổ chức nào phải đứng ra “bảo đảm” ? Phải chăng cuối cùng họ sẽ phán rằng Dân phải “tự bảo đảm” ? 
Trong thời buổi tham nhũng hoành hành từ trên xuống dưới, thì những chính sách viển vông không chỉ vô ích, mà còn rất tai hại , vì giới cầm quyền sẽ “mượn gió bẻ măng”. Điều này đang diễn ra dưới nhiều danh nghĩa, ví dụ như việc xây nhà ở xịn để bán cho người nghèo ở giữa đô thị đắt đỏ . Khi đã đẻ ra một chính sách phúc lợi xã hội nào đó thì họ có cớ để vung tiền từ ngân sách, tức là tiền của Dân. Tất nhiên là không đủ để “ngập tràn thiên hạ” . Lúc đó, “nước có quyền chảy vào chỗ trũng” , nghĩa là ưu tiên cho “người thân” (theo nghĩa rộng, bao gồm cả những người quen thân vì tiền ), và cũng không quên phần mình. Đối với các quan tham, “từ thiện” không còn là mục tiêu hành động, mà là phương tiện để vơ vét cho bản thân. 
Hai ví dụ kể trên cho thấy rằng: Dự thảo sửa đổi Hiến pháp có thể đem lại cho người dân một số quyền mới nào đó, nhưng có khi lại là những quyền hư ảo , trong khi những quyền bị cắt giảm thì lại rất thật, như sẽ trình bày trong phần tiếp theo. Điều đáng buồn là: Xu hướng giả dối vẫn được tiếp tục duy trì và phát triển trong việc xây dựng Hiến pháp. 

Quyền thoi quyền thóp 

Trong Điều 71 của Hiến pháp 1992 có quy định rằng: “Không ai bị bắt, nếu không có quyết định của Toà án nhân dân, quyết định hoặc phê chuẩn của Viện kiểm sát nhân dân, trừ trường hợp phạm tội quả tang. Việc bắt và giam giữ người phải đúng pháp luật.” (Điều 71, Đoạn 2) 
Điều 71 được sửa thành Điều 22 trong dự thảo sửa đổi Hiến pháp , nhưng toàn bộ quy định được trích ở trên (nhằm hạn chế việc bắt người tùy tiện và yêu cầu “ bắt và giam giữ người phải đúng pháp luật “ ) đã bị xóa. Trong thời gian qua, Hiến pháp đã quy định rõ ràng như vậy mà công an vẫn bắt người và giam giữ rất tùy tiện.Rồi đây, khi quy định ấy đã bị gạch khỏi Hiến pháp, thì số phận người dân sẽ ra sao? 
Trong Điều 74 của Hiến pháp 1992 có quy định rằng: 
“Việc khiếu nại, tố cáo phải được cơ quan Nhà nước xem xét và giải quyết trong thời hạn pháp luật quy định.” (Điều 74, Đoạn 2) 
Điều 74 được sửa thành Điều 31 trong dự thảo sửa đổi Hiến pháp , nhưng quy định vừa được trích (nhằm ràng buộc về thời hạn giải quyết khiếu nại, tố cáo ) không còn nữa. Vốn dĩ, khiếu nại và tố cáo của công dân hay bị ngâm tôm bất tận. Đến đại công thần của chế độ gửi kiến nghị cũng chẳng được hồi âm. Vậy thì sau này, khi ràng buộc về thời hạn giải quyết khiếu nại, tố cáo bị xóa khỏi Hiến pháp, Dân sẽ phải chờ đợi bao lâu? 
Đoạn thứ nhất trong Điều 72 của Hiến pháp 1992 viết rằng: “Không ai bị coi là có tội và phải chịu hình phạt khi chưa có bản án kết tội của Toà án đã có hiệu lực pháp luật.” 
Khi điều khoản trên hóa thân vào dự thảo sửa đổi Hiến pháp , 5 chữ “ và phải chịu hình phạt” bị loại bỏ. Thành thử chỉ còn sót lại như sau: 
- “Không ai bị coi là có tội khi chưa có bản án kết tội của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật.” (Điều 32, Khoản 1) 
Hệ quả kéo theo là: “Khi chưa có bản án kết tội của Toà án đã có hiệu lực pháp luật” thì “không ai bị coi là có tội” , song vẫn có thể “phải chịu hình phạt” . Ở các nước văn minh thì hiển nhiên không ai “phải chịu hình phạt” khi chưa “bị coi là có tội” . Nhưng ở xứ sở bất an, nơi khi được công an “mời vào” đồn thì vẫn còn mạnh khỏe, mà lúc “tiễn ra” có thể đã liêu xiêu, thậm chí có trường hợp trở thành xác không hồn, thì việc triệt tiêu 5 chữ “ và phải chịu hình phạt” sẽ giúp cho công an nhân dân thêm vô tư “luyện võ” với Nhân dân. 
Đoạn thứ hai trong Điều 72 của Hiến pháp 1992 viết rằng: 
- “Người bị bắt, bị giam giữ , bị truy tố, xét xử trái pháp luật có quyền được bồi thường thiệt hại về vật chất và phục hồi danh dự. Người làm trái pháp luật trong việc bắt,giam giữ , truy tố, xét xử gây thiệt hại cho người khác phải bị xử lý nghiêm minh.” 
Trong dự thảo sửa đổi Hiến pháp , quy định này được sửa thành: “Người bị bắt, bị tạm giữ, tạm giam , bị điều tra, truy tố, xét xử trái pháp luật có quyền được bồi thường thiệt hại về vật chất, tinh thần và phục hồi danh dự. Người làm trái pháp luật trong việc bắt, tạm giữ, tạm giam , điều tra, truy tố, xét xử gây thiệt hại cho người khác phải bị xử lý theo pháp luật.” (Điều 32, Khoản 4) 
Nghĩa là: Từ “giam giữ” được thay bằng “tạm giữ, tạm giam” . Hậu quả là: Khi đã kết án tù giam và chuyển từ trạng thái “tạm giữ, tạm giam” sang hình thức “giam giữ” để chấp hành án, thì người tù không còn được bảo vệ và người coi tù làm trái pháp luật không còn bị xử lý theo quy định của điều khoản sửa đổi. 
Ba nội dung bị loại bỏ được đề cập ở trên đều có chung một “tội” là: Chúng hay để Dân níu bám, nhằm tố cáo chính quyền vi phạm Hiến pháp và pháp luật. Có lẽ vì vậy nên phải “kết liễu” chúng, đẩy chúng ra khỏi Hiến pháp, để… giữ gìn uy tín cho chính quyền. Ngoài ra, hai quy định sau đây cũng đã bị loại bỏ khỏi dự thảo sửa đổi Hiến pháp . 
Điều 64 về hôn nhân và gia đình trong Hiến pháp 1992 được sửa thành Điều 39 trong dự thảo sửa đổi Hiến pháp , nhưng lại bỏ đi đoạn quy định về trách nhiệm nuôi dạy con của cha mẹ và trách nhiệm chăm sóc ông bà, cha mẹ của con cháu . Điều đó cũng có nghĩa là bỏ đi quyền của con cái được cha mẹ nuôi dạy và quyền của ông bà, cha mẹ được con cháu chăm sóc . 
Điều 59 của Hiến pháp 1992 được sửa thành Điều 42 trong dự thảo sửa đổi Hiến pháp , nhưng bỏ đi quy định: 
“Bậc tiểu học là bắt buộc, không phải trả học phí .” 
Và nó được thay bằng một quy định chung chung trong Điều 66: 
Source: Quan Làm Báo

© 2016 About Us | Terms & Conditions